Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Thời tiết khắc nghiệt tra tấn trái đất!

Nắng nóng khủng khiếp hoành hành ở bán cầu bắc từ giữa tháng 6, trong khi nhiệt độ ở bán cầu nam đang rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Cỏ khô bốc cháy gần Voronezh, thành phố cách thủ đô Matxcơva của Nga khoảng 500 km
về phía nam, vào ngày 31/7. Hàng loạt đám cháy rừng bùng phát ở miền trung
nước Nga vì nắng nóng. Ảnh: AP.

Xinhua cho biết, thời tiết bất thường đang gây nên nhiều vấn đề tiêu cực trên toàn cầu. Ở bán cầu bắc, nền nhiệt độ quá cao đang gây nên nhiều hiểm họa về sức khỏe. Chỉ riêng tại Nhật Bản, gần 10.000 người nhập viện và 57 người chết do sốc nhiệt từ ngày 19 tới 25/7.

Hàng loạt đám cháy rừng bùng phát tại Nga trong những ngày qua. Gần 2000 ngôi nhà bị hỏa hoạn thiêu rụi và ít nhất 34 người đã chết do cháy rừng ở Nga.

Trước đó, vào ngày 29/7, nhiệt độ tại thủ đô Matxcơva của Nga lên tới 37,7 độ C – mức cao nhất trong 130 năm qua. Matxcơva bị bao phủ bởi khói từ những đám cháy rừng và cháy than bùn ở các khu vực xung quanh thành phố. Một số người dân gặp các vấn đề về hô hấp.

Một xe hơi và vài tòa nhà bị lửa thiêu rụi

Một đám cháy rừng phá hoại tài sản của người dân trong làng Mokhovoe,
gần thành phố Lukhovitsy của Nga vào ngày 30/7. Ảnh: AP.

Mùa hè nóng bức chưa từng có cũng làm tăng nguy cơ hỏa hoạn ở thủ đô Helsinki của Phần Lan và các khu vực lân cận. Lực lượng cứu hỏa của Helsinki nhận được khoảng 30 cuộc gọi báo cháy trong tháng trước.

Nền nhiệt quá cao khiến nhu cầu tiêu thụ điện tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc tăng vọt. Vào ngày 26/7, mức tiêu thụ điện ở thành phố này là 15,6 triệu kW. Trong những ngày tới mức tiêu thụ điện có thể lên tới mức kỷ lục mới là 15,7 triệu kW.

Giá ngũ cốc cũng leo thang theo nhiệt độ. Giá lúa mì giao sau tại thành phố Chicago, Mỹ vọt lên gần mức cao nhất trong vòng 14 tháng do sản lượng toàn cầu có nguy cơ giảm mạnh. Hội đồng Ngũ Cốc Quốc tế dự đoán sản lượng ngũ cốc của Nga sẽ giảm 19% xuống còn 50 triệu tấn trong năm nay do hạn hán triền miên và nắng nóng. Nhiều thương nhân lo ngại 40% số cây lúa mì tại Nga sẽ chết.

Nhiệt độ xuống thấp đến nỗi những giọt mưa biến thành tuyết chỉ vài phút sau khi rơi tại thủ đô Buenos Aires của Argentina vào ngày

Nhiệt độ xuống thấp đến nỗi những giọt mưa biến thành tuyết chỉ vài phút sau khi rơi
tại thủ đô Buenos Aires của Argentina vào ngày 2/8. Ảnh: momento24.com.

Trong khi bán cầu bắc đang hứng chịu nền nhiệt cao chưa từng có, cuộc sống thường nhật của người dân ở bán cầu nam lại đảo lộn bởi giá lạnh và những đợt bão tuyết dữ dội.

Cơ quan Khí tượng quốc gia Argentina cho biết, nhiệt độ ở thủ đô Buenos Aires giảm xuống mức -1,5 độ C vào ngày 16/7. Đây là nhiệt độ thấp nhất trong lịch sử thành phố. Thời tiết lạnh giá khiến tuyết rơi khắp cả nước. tổng số trường hợp chết rét tại Argentina tính đến cuối tháng 7 là 16 người. Ngoài ra 12 người khác chết vì ngộ độc khí carbon monoxide (CO) khi sưởi ấm.

Peru, Brazil và Chile cũng hứng chịu nhiệt độ thấp kỷ lục. Thậm chí nhiệt độ ở Peru đã rơi xuống mức -20 độ C.

Giới chuyên gia khí tượng cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu là thủ phạm gây nên hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trái chiều ở hai bán cầu. Họ cũng dự đoán các đợt nắng nóng và lạnh giá sẽ còn tiếp diễn.

Theo Vnexpress

PS: những thiên tai ập xuống liên tiếp, hạn hán, lũ lụt ở Trung Quốc, Việt Nam và vùng Tây Á, nhiệt độ quá cao ở châu Âu và châu Mĩ khiến cho người dân k chịu nổi. Giờ này mình lại nghĩ về hội nghị Copenhagen hồi tháng 12 năm ngoái. K biết những nước phát triển và đang phát triển họ đang nghĩ gì? Trung Quốc - nước có số lượng khí thải ra ngoài môi trường nhiều nhất thế giới đã phải trả giá.... Rồi sẽ là bao nhiêu người dân vô tội nữa?
Quanh quẩn quanh bài toán "cho đi và nhận lại" ...........